Thẻ h1

Gạch không nung khó tìm đầu ra

 

Sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại Nhà máy gạch không nung của Công ty CP Thành Chí tại xã Châu Pha (huyện Tân Thành). 
Sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại Nhà máy của Công ty CP Thành Chí, xã Châu Pha, huyện Tân Thành). 

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg về phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) thay thế gạch đất sét nung. Theo quyết định này, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, vật liệu không nung chiếm 40% sản lượng vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, VLXDKN vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng.

KHÓ TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG

Tại BR-VT, đến nay, có 5 DN xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung, gồm: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh, Công ty CP Thành Chí, Công ty CP Đại Hồng Sơn, Công ty CP Vật liệu DIC và Công ty TNHH Quốc tế Troy. Hiện nay, gạch không nung chủ yếu được sử dụng ở những công trình do Nhà nước đầu tư như: Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh, Trung tâm Hành chính huyện Đất Đỏ; Trường THCS Châu Thành, Trường MN Nắng Hồng, Công viên Bãi Trước, vỉa hè đường Hoàng Diệu, Đồng Khởi... (TP.Vũng Tàu); công viên Lê Thành Duy, vỉa hè đường 27-4, Huỳnh Ngọc Hay, Cách mạng Tháng Tám... (TP.Bà Rịa). Trong khi đó, đa số các công trình do tư nhân đầu tư không dùng loại gạch này.

Ghi nhận tại nhiều cửa hàng bán VLXD trên địa bàn tỉnh cho thấy, sản phẩm VLXDKN ít được bày bán, chỉ khi nào khách hàng yêu cầu thì các cửa hàng mới lấy về bán. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc Công ty TNHH B&B Quang Minh (TP.Vũng Tàu), chuyên kinh doanh VLXD cho biết, với gạch xây dựng, đa số khách hàng thường chọn gạch ống Mỹ Xuân, gạch Đồng Tâm, còn gạch không nung ít được lựa chọn.

Theo các nhà thầu xây dựng, thợ hồ rất ngại xây gạch không nung, vì gạch này không dùng dao xây chặt được, một số chủng loại còn phải dùng thiết bị hỗ trợ. Trong khi với gạch đất sét nung, nếu cần 1/2 hoặc 1/3 viên, thợ sẽ dùng dao xây chặt dễ dàng. Đối với chủ công trình, khi đề xuất xây bằng gạch không nung, nhiều người tỏ ra không tin tưởng, vì đây là loại gạch tương đối mới, thời gian kiểm nghiệm thực tế chưa lâu. Đồng thời, thói quen sử dụng các loại gạch nung truyền thống đã “ăn sâu” trong tâm lý của nhiều người nên việc thay đổi thói quen không dễ thực hiện ngay.

CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG B

Theo ước tính của ngành xây dựng, mỗi năm, nước ta tiêu thụ khoảng 20 tỷ viên gạch. Đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng sẽ lên đến 40 tỷ viên/năm. Với số lượng gạch trên, nếu dùng đất để nung, sẽ mất rất nhiều đất canh tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phải sử dụng một lượng than hóa thạch khổng lồ, kèm theo đó là một lượng củi đốt rất lớn, dẫn đến chặt phá rừng, mất cân bằng sinh thái, gia tăng thiên tai và nghiêm trọng hơn nữa là gây ra ô nhiễm môi trường. Vì thế, sản xuất VLXDKN là hướng đi tất yếu nhằm phát triển bền vững.

Ông Trần Đình Thắng, Giám đốc điều hành Công ty CP Đại Hồng Sơn phân tích, để đầu tư một nhà máy sản xuất gạch không nung (loại bê tông khí chưng áp) công suất 70 triệu viên/năm, cần hơn 10 tỷ đồng. Số tiền này khá lớn đối với những DN vừa và nhỏ. Vì vậy, DN cần Nhà nước hỗ trợ về vốn và có chính sách ưu đãi về thuế, từ đó có thể hạ giá thành sản phẩm, thu hút thêm nhiều khách hàng sử dụng VLXDKN.

Sở Xây dựng cũng cho rằng, Thông tư 09 của Bộ Xây dựng quy định, từ năm 2016, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng 100% VLXDKN. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN. Để khuyến khích, tăng cường sử dụng VLXDKN vào các công trình xây dựng, cần bổ sung chế tài xử lý các đơn vị không chấp hành việc sử dụng VLXDKN theo quy định. Mặt khác, bổ sung cơ chế hỗ trợ về khoa học công nghệ, vốn đầu tư đổi mới công nghệ cho các DN sản xuất VLXDKN có công suất lớn để tạo ra các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng bảo đảm và giá thành sản phẩm hợp lý. Đồng thời tháo gỡ rào cản về chính sách, thể chế cho các DN tham gia đầu tư phát triển VLXDKN.

NGÔ THANH

Gạch không nung sau khi được tạo hình sẽ tự đóng rắn mà không cần qua nhiệt độ. Độ bền của viên gạch không nung được gia tăng nhờ lực ép hoặc rung hoặc cả ép lẫn rung lên viên gạch. Những nguyên liệu thích hợp cho việc sản xuất vật liệu không nung gồm: các loại quặng, cát, xỉ, vôi, đá, chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng... Về bản chất của sự liên kết tạo hình, gạch không nung khác hẳn gạch đất nung. Quá trình sử dụng gạch không nung, do các phản ứng hoá đá của nó trong hỗn hợp tạo gạch sẽ tăng dần độ bền theo thời gian. Gạch không nung ở Việt Nam đôi khi còn được gọi là gạch blốc, gạch bê tông, gạch xi măng... Ưu điểm của gạch không nung là chịu cường độ cao gấp 2 lần so với gạch nung đất sét; độ bền cao trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt; cách âm tốt, hấp thụ và truyền tải nhiệt ít hơn gạch nung bằng đất sét; độ chính xác cao; chống cháy; không độc hại; bảo vệ môi trường.

Xem file pdf