Thẻ h1

Khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung

Khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung

Thứ Tư, 01/08/2018, 16:53 [GMT+7]
Vật liệu xây không nung (VLXKN) hiện đang sử dụng chủ yếu tại các công trình đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, chưa được người dân sử dụng nhiều trong các công trình dân dụng. Do vậy, cần có những giải pháp khuyến khích DN sản xuất và người dân sử dụng VLXKN.
Nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty CP Đại Hồng Sơn tại phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa)
Nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty CP Đại Hồng Sơn tại phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa)

Theo Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 8-12-2017 của Bộ Xây dựng “Quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng”, VLXKN gồm: Gạch bê tông; Gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, bê tông bọt; các chủng loại trên có khối lượng thể tích nhỏ hơn 1000 kg/m3; Tấm tường thạch cao, tấm 3D, tấm panel bê tông, tấm panel nhẹ; Gạch khác được sản xuất từ chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp, gạch silicát.

Ông Tạ Quốc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, toàn tỉnh hiện có 7 đơn vị sản xuất VLXKN, với tổng công suất hơn 200 triệu sản phẩm/năm. Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh BR-VT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mỗi địa phương sẽ được đầu tư ít nhất 1 cơ sở sản xuất VLXKN, với công suất từ 10-60 triệu sản phẩm/năm để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của từng địa phương, cân đối cho nhu cầu sử dụng của toàn tỉnh và cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận. “Sản xuất VLXKN giúp tiết kiệm đất nông nghiệp; giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả chung cho xã hội. Vì vậy, trong tương lai không xa, các loại VLXKN sẽ dần thay thế các loại vật liệu xây sản xuất theo phương pháp nung” ông Tạ Quốc Trung nhận định.

Về lộ trình đưa VLXKN vào lĩnh vực xây dựng, căn cứ Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng (có hiệu lực từ ngày 1-2-2018), UBND tỉnh BR-VT đã ban hành Văn bản số 1511/UBND-VP ngày 13-2-2018 quy định: Kể từ ngày 1-2-2018, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh được đầu tư bằng nguồn vốn NSNN, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của DN có vốn Nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng 100% VLXKN; các công trình xây dựng mới từ 9 tầng trở lên trên địa bàn tỉnh, không phân biệt nguồn vốn phải sử dụng tối thiểu 80% VLXKN cho công trình. Khuyến khích sử dụng VLXKN vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng.

Theo ông Nguyễn Thế Thường, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Chí, phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp xây dựng hiện đại. Thực tế, đa số các quốc gia trên thế giới đã dùng VLXKN để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh việc sử dụng loại vật liệu này còn rất ít, nhiều công trình trong đó có cả công trình dùng vốn NSNN vẫn chưa sử dụng loại vật liệu này với tỷ lệ theo quy định. Việc tuyên truyền còn hạn chế, dẫn đến việc người dân chưa thật sự hiểu về bản chất và chất lượng loại vật liệu “xanh”. Nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng VLXKN vào xây dựng, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về các tính năng hữu ích của sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, cần có biện pháp hạn chế sản xuất vật liệu xây dựng nung truyền thống. 

Còn ông Đoàn Hữu Hà An, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty CP Đại Hồng Sơn (TP.Vũng Tàu) cho rằng, để việc sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng theo chủ trương của Chính phủ, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm việc bắt buộc sử dụng VLXKN cho công trình ngay từ khâu lập dự án đầu tư, thẩm định dự án, cấp phép xây dựng; Tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị sản xuất VLXD không bảo đảm chất lượng, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. “Công ty luôn không ngừng nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm để bảo đảm cung cấp cho thị trường những loại vật liệu xây dựng xanh, sạch và tiện dụng nhất. Ngoài ra, công ty cũng đẩy mạnh công tác truyền thông sản phẩm với mong muốn thay đổi nhận thức của người sử dụng về VLXKN”, ông Đoàn Hữu Hà An chia sẻ.

“Nhằm khuyến khích các DN là chủ đầu tư mạnh dạn đưa vào sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng, Sở Xây dựng đã kiến nghị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có thẩm quyền ban hành quy định về các chế độ ưu đãi, tạo điều kiện cho các DN phát triển đầu tư sản xuất để ngày càng nâng cao sản lượng và chất lượng VLXKN trên thị trường. Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu để công bố thêm định mức cho sản xuất gạch xi măng có kích thước, tiêu chuẩn phù hợp với năng lực và sức khỏe của người công nhân xây dựng”, ông Tạ Quốc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm.

Những công trình lớn sử dụng VLXKN

Đã có nhiều công trình xây dựng lớn trên địa bàn tỉnh đã sử dụng VLXKN như: Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh, Trung tâm Hành chính huyện Đất Đỏ, Trường THCS Châu Thành, chung cư 197B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chung cư Bình Giã, chung cư Bình An (TP.Vũng Tàu)… một số công trình công cộng sử dụng gạch không nung Terrazzo để lát nền như: công viên Bãi Trước, công viên Lê Lợi, vỉa hè đường Hoàng Diệu, Đồng Khởi, Nguyễn Du… (TP. Vũng Tàu), công viên Lê Thành Duy, vỉa hè đường 27/4, Huỳnh Ngọc Hay, Cách mạng Tháng Tám… (TP. Bà Rịa).

Bài, ảnh: TRÚC GIANG, AN NHIÊN

 


Xem file pdf